MD/ DỬNG DƯNG
CON QUỈ TÂM TRÍ
___________________
HỎI: Thầy đã nói nhiều về im lặng và trống rỗng bên trong. Sau hai năm tu tập, tâm trí tôi dường như mất kiểm soát hơn bao giờ, nó giống như cái máy tính phát điên. Tôi cố gắng là nhân chứng cho toàn bộ cái ngớ ngẩn, nhưng con quỉ ấy cứ diễn ra mãi!
ĐÁP: Cứ để con quỉ ấy diễn ra và bạn đừng lo nghĩ. Chính lo nghĩ mới là vấn đề, không phải là con quỉ.
Thế giới bên ngoài đang diễn ra mãi: sông cứ chảy, mây cứ trôi trên trời, chim chóc cứ ríu rít trên cây. Vậy tại sao bạn lại chống lại tâm trí ? Cứ để nó diễn ra - bạn không phải bận tâm về chuyện đó.
CHỨNG KIẾN KHÔNG PHẢI LÀ NỔ LỰC. Khi bạn không bận tâm thì chứng kiến nảy sinh. Hãy dửng dưng với tâm trí, khi dửng dưng thì nhân chứng xuất hiện.
CHÍNH Ý TƯỞNG PHẢI DỪNG NÓ LẠI MỚI LÀ SAI. PHẢI TĨNH LẶNG MỚI LÀ SAI, PHẢI LÀM ĐIỀU GÌ ĐÓ VỚI QUÁ TRÌNH THƯỜNG XUYÊN TIẾP DIỄN NÀY MỚI LÀ SAI.
BẠN KHÔNG CẦN PHẢI LÀM GÌ CẢ. Làm bất kì điều gì thì không bao giờ có tác dụng - chỉ tạo thêm rắc rối, không giúp gì cho bạn cả. Đó là lí do tại sao khi thiền bạn cảm thấy tâm trí càng điên khùng hơn; khi bạn không thiền, nó không điên khùng như vậy.
Khi bạn thiền, bạn quá bận tâm với tâm trí, cố gắng thật vất vả để làm cho nó tĩnh lặng. Bạn là ai? Sao bạn phải lo nghĩ về chyện dừng tâm trí lại? Có điều gì sai với nó? Cứ cho phép ý nghĩ xuất hiện, cứ để chúng trôi đi như đám mây.
KHI BẠN DỬNG DƯNG, BỖNG NHIÊN BẠN QUAN SÁT. Chẳng cần phải làm gì cả. Bạn chỉ có thể quan sát, bạn chỉ có thể chứng kiến - và trong chứng kiến thì tâm trí dừng lại. Không phải là bạn có thể dừng nó lại được. Không ai có thể dừng tâm trí lại, bởi vì người dừng cũng là một phần của tâm trí. Nghĩ rằng nếu im lặng thì bạn sẽ đạt tới điều tối thượng cũng là trò của tâm trí. Cho nên đừng ngu xuẩn! Tâm trí không thể nào làm im lặng tâm trí được.
Bạn không nhận biết về bản thân mình chút nào; chính tâm trí đang giở thủ đoạn. Điều duy nhất có thể làm là dửng dưng và buông bỏ tâm trí. Khi bạn dửng dưng, bỗng nhiên một khoảng cách phát sinh giữa bạn và tâm trí. Bạn vẫn nghe nó bởi vì nó cứ liên tục gõ vào cửa bạn, nhưng bạn dửng dưng.
Hãy nói với tâm trí, "Nếu muốn đi, mày cứ đi; nếu muốn dừng, mày có thể dừng. Đấy không phải là mối bận tâm của ta." Sự không quan tâm này rất quan trọng. Với thái độ không bận tâm và dửng dưng này, nhân chứng sẽ nảy sinh. Bỗng nhiên bạn thấy rằng tâm trí chưa bao giờ thuộc vào bạn cả; nó là cái máy tính; nó là cái máy. Bạn hoàn toàn tách biệt với nó.
Vứt bỏ mọi nỗ lực làm tĩnh lặng nó và chỉ thụ động quan sát, nhìn vào bất kì cái gì đang xảy ra. ĐỪNG CHỈ HƯỚNG CHO TÂM TRÍ ĐỪNG HƯỚNG DẪN NÓ. ĐỪNG KIỂM SOÁT NÓ. Toàn bộ sự tồn tại này đang diễn ra, chẳng cái gì quấy rối bạn - tại sao chỉ tâm trí này, cái máy tính nhỏ này, cái máy nhỏ này là quấy rối? Hãy tận hưởng nó với thái độ dửng dưng.
Rồi bỗng nhiên một ngày nào đó bạn thấy rằng một cái gì đó ngủ say trong bạn đang thức dậy; một năng lượng mới đang tới trong bạn – MỘT KHOẢNG CÁCH GIỮA BẠN VÀ TÂM TRÍ. Tâm trí vẫn tiếp tục nhưng từ từ đi xa dần - ra xa, ra xa, ra xa. Nó vẫn huyên thuyên nhưng bạn biết rằng nó đang huyên thuyên ở đâu đó rất xa. Và khoảng cách này cứ tiếp diễn mãi, rồi đến một hôm nào đó bỗng nhiên bạn không thể tìm thấy dấu vết của nó nữa.
Im lặng này là khác về chất với im lặng mà bạn có thể thực hành. Im lặng thực tới một cách tự phát, nó không phải là cái gì đó được thực hành. Nếu bạn thực hành nó thì bạn có thể tạo ra im lặng giả. Tâm trí rất thủ đoạn, nó có thể cho bạn khái niệm giả về im lặng.
Cho nên đừng cố gắng vất vả để làm tĩnh lặng nó. Thay vì thế, đứng sang một bên, ngồi bên cạnh đường, và để cho giao thông chạy qua. Chỉ quan sát nó, chỉ nhìn vào nó với con mắt dửng dưng, và điều bạn đang muốn sẽ xảy ra - nhưng không qua ham muốn.
Bởi vì ham muốn không cho phép bạn dửng dưng. Phật đã dùng từ upeksha (tâm xả), nghĩa là dửng dưng tuyệt đối. Đó chính là mảnh đất. Trong mảnh đất đó hạt mầm của thiền nảy mầm - và không có cách nào khác.
OSHO
(Trích: Đạo - ba kho báu tập 1)
Nhận xét
Đăng nhận xét